Chúa nhật IV Thường Niên, năm B

Bài đọc 1: Đnl 18,15-20
Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ và Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy.

Bài trích sách Đệ nhị luật.

15 Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng : “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em ; anh em hãy nghe vị ấy. 16 Đó chính là điều mà anh em đã xin với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, tại núi Khô-rếp, trong ngày đại hội ; anh em đã nói : ‘Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết.’ 17 Bấy giờ Đức Chúa phán với tôi : ‘Chúng nói phải. 18 Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. 19 Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó. 20 Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết.’” Đó là lời Chúa.

Bài đọc 2: 1Cr 7,32-35
Người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

32 Thưa anh chị em, tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa : họ tìm cách làm đẹp lòng Người. 33 Còn người có vợ thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, 34 thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng chồng. 35 Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co. Đó là lời Chúa.

Tin Mừng: Mc 1,21-28
Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền.

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

21 Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.

23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24 rằng : “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !” 28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê. Đó là lời Chúa.
______________________
NGÔN SỨ, NGƯỜI NÓI LỜI CỦA CỦA THIÊN CHÚA – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Vào thập niên 90, ở Sài Gòn có một vị linh mục được nhiều người biết đến như là nhà giảng thuyết. Những buổi lễ của ngài có rất đông người tham dự, đặc biệt là những người trẻ. Có nhiều người hâm mộ đến từ rất xa và rất sớm để được tham dự các thánh lễ mà ngài chủ sự và giảng lễ. Vị linh mục này trở thành như thần tượng trong lãnh vực giảng thuyết, khiến nhiều linh mục bắt chước phong cách của ngài và giảng rất giống ngài như một bản sao. Khi chuẩn bị làm linh mục, một trong những môn học mà các tiến chức phải học và tập luyện, đó là môn giảng thuyết. Khi làm linh mục, mỗi người có một khả năng truyền đạt khác nhau, có người truyền đạt hấp dẫn nhưng có những người cũng rất vụng về, có người được khen giảng hay, nhưng cũng có người bị chê giảng dở, giảng dài.

Như thế, việc được coi là giảng hay hoặc dở là ở chỗ nào? Nếu như là những bài giảng thuyết khoa học, xã hội, thì việc hay hoặc dở tuỳ thuộc vào việc trình bày nội dung rõ ràng, hấp dẫn, nhưng với việc giảng lễ, giảng Lời Chúa thì khác. Việc một linh mục giảng hay hoặc dở không tuỳ thuộc việc vị đó bắt chước phong cách của người nổi tiếng, từ ngữ chau chuốt hay là cách nói bình dân mộc mạc, nhưng tuỳ thuộc ở việc vị đó đang nói lời của Chúa hay của mình; cảm nghiệm, cảm xúc của bản thân mình với Lời Chúa hay vay mượn tư tưởng, cảm nghiệm của người khác. Người giảng hay là khi người nghe cảm nhận như được nghe Chúa nói với họ.

Tin Mừng thuật lại: Đức Giêsu xuất hiện và giảng dạy như một ngôn sứ, dân thành Caphácnaum sửng sốt, ngạc nhiên vì thấy Ngài giảng khác với các thầy kinh sư. Họ nói rằng: Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền chứ không như các kinh sư. Điều này có nghĩa là qua lời giảng của Đức Giêsu, người nghe nhận ra uy quyền của một vị Thiên Chúa. Điều đó là chắc chắn, vì Đức Giêsu không chỉ mang uy quyền của một vị Thiên Chúa, nhưng vì chính Ngài là Thiên Chúa, Đấng phát xuất từ Thiên Chúa. Đức Giêsu không nói lời khôn khéo của thế gian, nhưng nói lời của Thiên Chúa và nói về Thiên Chúa. Vì Ngài là Đấng phát xuất từ cung lòng Thiên Chúa, do đó, Ngài có thể nói về Thiên Chúa như Đấng có uy quyền.

Ông Môsê được truyền thống Do Thái coi như nhà lãnh đạo, vị ngôn sứ vĩ đại. Môsê cũng chính là người gặp Thiên Chúa và chuyện trò với Thiên Chúa mặt đối mặt, vì thế, ông được coi như bạn hữu của Thiên Chúa. Cũng chính Môsê trở nên như “trung gian” giữa Thiên Chúa và dân Israel, ông là người truyền đạt giới răn, mệnh lệnh của Chúa cho dân, đồng thời trình lên Chúa những ý nguyện của dân. Cũng chính Môsê là người đứng ra bênh vực giới răn lề luật của Thiên Chúa trước sự phản bội của Israel và cũng bênh vực kêu xin cùng Chúa tha thứ cho dân mỗi khi dân phản bội. Trong mắt của người Do Thái, Môsê được coi như vị đại ngôn sứ, người “sáng lập” Israel. Đoạn sách hôm nay thuật lại câu chuyện khi Môsê về già, ông đã an ủi dân rằng: Từ giữa anh em, Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện một vị ngôn sứ như tôi. Thiên Chúa đã chấp nhận lời đề nghị của Môsê và đã phán: Ta sẽ cho xuất hiện một vị ngôn sứ như ngươi để giúp chúng. Ta sẽ đặt lời Ta trong miệng người ấy và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.

Vị ngôn sứ mà Môsê đã nói trước, nay được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, Đấng nhân danh Chúa mà đến. Sứ mạng của Ngài là nói điều Thiên Chúa muốn, nói lời của Thiên Chúa cho nhân loại. Lời đó là lời quyền năng, lời yêu thương tha thứ và là lời ban ơn cứu độ cho nhân loại. Những ai nghe lời của Đức Giêsu và tin vào Người, thì sẽ được quyền năng, tình yêu của Thiên Chúa bảo vệ và được cứu độ. Khi nghe Đức Giêsu giảng dạy tại hội đường Caphácnaum, người Do Thái đã nhận ra quyền năng ấy nơi lời rao giảng và những việc làm của Chúa Giêsu.

Quyền năng nơi Đức Giêsu là quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa có thể chữa lành và nâng con người chỗi dậy, quyền năng ấy vượt thắng trên mọi sức mạnh của ma quỷ, tội lỗi. Tin Mừng Marcô đã trình bày điều này khi kể tiếp câu chuyện Tin Mừng hôm nay: Trong hội đường lúc đó, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: Ông Giêsu Nazarét, chuyện chúng tôi có can gì đến Ông mà Ông đến để tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết Ông là Đấng Thánh. Theo truyền thống Do Thái, ma quỷ và tội lỗi là nguyên nhân của tất cả bệnh tật đau khổ. Trường hợp trong hội đường hôm nay, là một người bị quỷ ô uế ám. Tên quỷ này xúi giục, thúc đẩy, điều khiển con người làm những chuyện ô uế. Khi đối diện với Đấng Thánh, nó không thể chịu đựng được trước sự thánh thiện và quyền năng của Chúa Giêsu. Nhưng nó rất tinh ranh khi nó muốn Chúa Giêsu bắt tay thoả thuận, chừa lại cho nó một lãnh vực, một địa bàn hoạt động, khi nó nói: chuyện chúng tôi có can gì đến Ông.

Đức Giêsu đã không những không nhượng bộ với ma quỷ, Ngài cũng không muốn nghe bất cứ điều gì từ ma quỷ và tuyệt đối không đối thoại, trò chuyện với ma quỷ. Vì thế, Ngài dứt khoát ra lệnh: Câm đi, hãy xuất khỏi người này. Thần ô uế đã hét lớn, lay mạnh người ấy và xuất ra. Kể câu chuyện này, tác giả Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu Nazarét là vị Ngôn sứ mang quyền năng của Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa đang ở giữa con người, đang ở trong dân Người như ông Môsê đã tiên báo từ xưa. Vị Ngôn sứ Giêsu còn trổi vượt hơn hẳn ông Môsê về tất cả mọi mặt, Ngài là Đấng sẽ ban lề luật mới, sự sống mới cho nhân loại, có quyền ra lệnh trên cả thần ô uế là thế thế lực của bóng tối và sự xấu.

Nghe lời Chúa Giêsu giảng dạy, chứng kiến việc Người xua trừ thần ô uế và nó sợ hãi phải bỏ chạy, người Do Thái sững sờ kinh ngạc. Họ bàn tán với nhau: Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người giảng dạy thì có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả thần ô uế và chúng phải tuân lệnh. Danh tiếng Ngài đồn ra khắp vùng lân cận miền Galilê. Sự ngạc nhiên của những người Do Thái trước quyền năng Thiên Chúa nơi Đức Giêsu là khởi đầu dẫn đến việc tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa và loan truyền danh tiếng Người cho anh chị em chung quanh.

Thưa quý OBACE, nhờ ơn của Bí tích Rửa tội, chúng ta được tham dự vào ba chức năng của Đức Giêsu: Tư tế, Ngôn sứ và phục vụ. Chức năng ngôn sứ đòi buộc mỗi người phải có bổn phận nói về Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài qua lời nói, hành động và đời sống thường ngày. Chúng ta chỉ có thể nói về Đức Giêsu cách xác tín, khi mỗi người đã được gặp gỡ, tiếp xúc với Người; ta chỉ có thể nói về Chúa cách mạnh dạn, tự tin, khi ta xác tín cách tuyệt đối Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ nhân loại. Song ta chỉ có thể biết Ngài qua việc cầu nguyện, học hỏi, chuyên chăm đọc và suy gẫm Kinh Thánh, vì không biết Kinh Thánh là không biết Đức Giêsu (Jr).

Các bậc làm cha mẹ chỉ có thể giáo dục, dạy dỗ con cái “cách uy quyền” khi mỗi cha mẹ cố gắng hoàn thiện bản thân, trở nên gương mẫu trong đời sống đạo và trong đời sống thường ngày. Vì ta không thể dạy bảo con cái khi chúng ta sống bê bối, ta không thể nhắc nhở con cháu khi chúng ta lười biếng. Hơn nữa, khi cha mẹ siêng năng đến với Chúa qua việc xưng tội rước lễ, tham dự thánh lễ, ta sẽ có Chúa trong tâm hồn, thì lời nhắc nhở, dạy bảo con cái sẽ mang đầy bình an, tình yêu thương, sự cảm thông của Chúa. Con cháu khi nghe những lời nhắc bảo sẽ nhận ra điều đó.

Nhiều bạn trẻ cảm thấy ngại ngùng không dám nói về Chúa nơi môi trường học đường và công ty, ngại ngùng khi thể hiện mình là người Công giáo. Lý do là vì đời sống của ta còn nhiều vấn đề chưa phù hợp, có khi còn ngược lại với Chúa và Tin Mừng, vì thế, các bạn né tránh việc nói về Chúa. Cũng vậy, vì nhiều bạn hiểu biết về Chúa rất ít, bởi bỏ học giáo lý, không chú tâm đọc, nghe, hiểu Kinh Thánh, không có kinh nghiệm trong đời sống đức tin và cầu nguyện, vì thế các bạn rất khó để nói về Chúa cách mạnh dạn cho bạn hữu của mình.

Xin Chúa giúp cho mỗi người nhờ chuyên chăm cầu nguyện, đọc và suy gẫm Kinh Thánh, giáo lý, tham dự thánh lễ và rước lễ, được Chúa ban sức mạnh, sự cảm đảm và trở thành những ngôn sứ của thời đại hôm nay, nói về Chúa Giêsu cách xác tín cho anh chị em mình. Amen!
Hình ảnh chủ đề của Colonel. Được tạo bởi Blogger.