Chúa nhật II Thường Niên, năm B

Bài đọc 1: 1Sm 3,3b-10.19
Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.

Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.

3b Khi ấy, Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. 4 Đức Chúa gọi Sa-mu-en. Cậu thưa : “Dạ, con đây !”, 5 rồi chạy lại với ông Ê-li và thưa : “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo : “Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi.” Cậu bèn đi ngủ. 6 Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần nữa. Sa-mu-en dậy, đến với ông Ê-li và thưa : “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo : “Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi.” 7 Bấy giờ Sa-mu-en chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. 8 Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Ê-li và thưa : “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Bấy giờ ông Ê-li hiểu là Đức Chúa gọi cậu bé. 9 Ông Ê-li nói với Sa-mu-en : “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa : ‘Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.’” Sa-mu-en về ngủ ở chỗ của mình.

10 Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước : “Sa-mu-en ! Sa-mu-en !” Sa-mu-en thưa : “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”

19 Sa-mu-en lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu. Đó là lời Chúa.

Bài đọc 2: 1Cr 6,13c-15a.17-20
Thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

13c Thưa anh em, thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. 14 Thiên Chúa đã làm cho Chúa Ki-tô sống lại ; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại.

15a Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao ? 17 Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người. 18 Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình.

19 Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao ? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, 20 vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em. Đó là lời Chúa.

Tin Mừng: Ga 1,35-42
Các ông đã đến xem chỗ Đức Giê-su ở, và ở lại với Người.

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

35 Khi ấy, ông Gio-an đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. 36 Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa.” 37 Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. 38 Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi : “Các anh tìm gì thế ?” Họ đáp : “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu ?” 39 Người bảo họ : “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

40 Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. 41 Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói : “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô). 42 Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói : “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô). Đó là lời Chúa.
_______________________
HÃY ĐẾN MÀ XEM – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Hiện nay, con số ơn gọi tại các chủng viện và các dòng tu đang giảm sút nhanh chóng hơn dự đoán. Cách đây chừng năm năm, các dòng tu, các chủng việc vẫn còn khá nhiều các bạn trẻ nam nữ đăng ký tìm hiểu. Nhưng một hai năm trở lại đây, con số dự tu của các dòng và chủng viện giảm sút rõ rệt. Có những giáo phận không còn chủng sinh, có những dòng tu không có thỉnh sinh và không thể mở được Tập viện. Điều này là điều đáng lo ngại cho tương lai của Giáo hội Việt Nam.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm sút ơn gọi, trong đó có nguyên nhân từ gia đình, từ tác động và lôi kéo của xã hội văn minh, của lối sống ích kỷ. Nhìn dưới cái nhìn đức tin, chúng ta thấy tất cả mọi ơn gọi đều đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa mời gọi và con người đáp lại cách quảng đại. Chúa sẽ làm cho ơn gọi đó nảy mầm và trổ sinh hoa trái. Các câu chuyện hôm nay đều cho thấy Thiên Chúa là Đấng chủ động ngỏ lời và những ai quảng đại đáp lại, sẽ được chọn, gọi trở nên bạn hữu và là cộng tác viên của Chúa. Sự đáp trả này trước hết là của chính đương sự và có sự giúp đỡ của những người chung quanh.

Trước hết là câu chuyện được thuật lại trong bài đọc một: Thiên Chúa gọi Samuel. Samuel được biết đến trong lịch sử Do Thái như là một đại ngôn sứ và như một thủ lãnh. Ngay từ nhỏ, ông được cha mẹ đưa vào đền thờ của Chúa để phục vụ thầy tư tế Hêli và giúp việc trong nhà Chúa. Chính từ lòng đạo đức và sự quảng đại của cha mẹ đã ảnh hưởng trên cậu bé. Ông bà không giữ riêng con trai cho mình, nhưng dâng cho Chúa, để cậu bé được ở gần Chúa, phục vụ nhà Chúa. Chính trong môi trường đạo đức thánh thiện này, mà cậu bé nhận ra tiếng Chúa gọi.

Để nhận ra tiếng Chúa gọi, cậu bé còn cần đến sự hướng dẫn, đồng hành thiêng liêng của thầy Hêli. Câu chuyện cho thấy, ban đêm, khi cậu bé đang ngủ thì có tiếng Chúa gọi: Samuel! Samuel! Cậu thưa: Dạ, con đây! Cậu chạy đến với thầy Hêli và thưa với thầy: Dạ, con đây, thầy gọi con. Sau hai lần như thế, thầy Hêli nhận ra Chúa đã gọi cậu bé, nên đã chỉ cho cậu: Nếu con còn nghe tiếng gọi nữa, thì hãy thưa: Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Lần thứ ba, cậu bé về ngủ thì Thiên Chúa đã đến và gọi. Nghe tiếng Chúa gọi, Samuel đã thưa lại với Chúa cách quảng đại và sẵn sàng: Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Thiên chúa đã chọn Samuel, cậu lớn lên và Đức Chúa ở với cậu. Cậu không để cho lời nào của Chúa ra vô hiệu. Đó là sự nỗ lực của bản thân, cộng tác với ơn Chúa và để Chúa huấn luyện hướng dẫn.

Qua câu chuyện của Samuel cho thấy, để một ơn gọi được nảy mầm và trổ sinh kết quả, thì trước hết cần có sự quảng đại của cha mẹ cùng với nền tảng đời sống đạo đức của gia đình; kế đến có sự hướng dẫn đồng hành thiêng liêng của những người có trách nhiệm, giúp đương sự phân định được lời mời gọi của Chúa và sau cùng là sự cộng tác của chính đương sự với ơn Chúa. Chúa sẽ làm cho sự hy sinh, quảng đại, cố gắng của mọi người sinh hoa kết trái nơi những ơn gọi được Chúa kêu mời.

Tin Mừng hôm nay cho thấy một yếu tố quan trọng trong ơn gọi của Thiên Chúa qua cuộc gặp gỡ đầu tiên của hai môn đệ Gioan với Thầy Giêsu. Họ đã được Thầy Giêsu biến đổi nên những cộng tác viên và là môn đệ của Ngài. Câu chuyện kể lại: Lúc đó hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả đang đứng với thầy mình. Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, Gioan lớn tiếng nói: Đây là Chiên Thiên Chúa. Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Đức Giêsu. Thông thường, ai cũng muốn giữ các môn đệ ở lại với mình, nhưng Gioan ý thức rằng ông chỉ là người dọn đường đưa người khác đến với Đức Giêsu. Vì thế, ngay những môn đệ thân tín, ông cũng không giữ lại cho riêng mình, nhưng giới thiệu để họ đến với Đức Giêsu, để họ được gặp Ngài và được trực tiếp trò chuyện và lắng nghe Ngài.

Hai môn đệ kia, sau một thời gian theo Gioan thì vẫn thấy lòng mình còn khao khát tìm kiếm điều gì đó cao hơn. Vì thế nghe Gioan giới thiệu, họ đã lặng lẽ đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại thấy hai ông thì nói: Các anh tìm gì? Hai người này đã thưa với Chúa: Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Câu trả lời chứng tỏ rằng, điều hai chàng trai này khao khát tìm kiếm là nơi ở của Thầy Giêsu. Thấu hiểu được tâm hồn của hai chàng trai trẻ tìm đến với mình, Đức Giêsu đã cho hai anh một lời mời: Hãy đến mà xem. Chúa không ép hai anh, nhưng mời gọi họ đến, để xem và cảm nhận những gì các anh sẽ được nếm trải.

Tác giả kể lại kinh nghiệm đó: Họ đã đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. Chắc chắn Chúa Giêsu không có nhà, không nó nơi ở cố định, vì Con Người không có nơi gối đầu. Khi kể lại cảm nghiệm thiêng liêng của mình, Gioan muốn nói đến một tương quan mới đã được Chúa Giêsu thiết lập giữa Chúa và hai ông: Họ không còn phải là khách lạ nhưng là người nhà của Thiên Chúa. Qua việc hai ông đến và ở lại, đó là sự đáp trả của hai chàng trai trước lời mời gọi của Chúa. Thời gian ở lại bên Chúa Giêsu quả là thời điểm khó quên và ấn tượng, đến nỗi nhiều năm sau khi kể lại câu chuyện này, tác giả Gioan vẫn còn nhớ như thể vừa mới xảy ra: Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

Thưa quý OBACE, hai môn đệ trong bài Tin Mừng đã trải qua những giờ phút thật hạnh phúc được đến với Chúa, được xem thấy việc Chúa làm và được ở lại cùng Chúa. Đến, xem và ở lại là để mình thuộc về Chúa Giêsu, ở lại trong tình thương và sự huấn luyện của Chúa Giêsu và để cho Chúa biến đổi hoàn toàn nên những con người mới, nên cộng tác viên của Chúa. Vì thế, ngay sau đó, ông Anrê khi trở về gặp em mình là Simon Phêrô, đã không giấu được niềm vui và hạnh phúc của cuộc gặp với Chúa, ông đã giới thiệu về Đức Giêsu với em mình: Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đó là những yếu tố quan trọng trong đời sống ơn gọi.

Như vậy, Lời Chúa hôm nay không dừng lại ở việc Thiên Chúa gọi để trở thành linh mục tu sĩ, nhưng nhấn mạnh đến ơn gọi của từng người, đó là ơn gọi làm Kitô hữu, làm cộng tác viên và làm môn đệ của Chúa. Cho dù là ơn gọi làm linh mục hay ơn gọi làm Kitô hữu đều cần đến một môi trường và những đóng góp của những người chung quanh.

Để có những ơn gọi Kitô hữu hoặc ơn gọi làm linh mục tu sĩ, cần có môi trường đạo đức, cha mẹ phải xây dựng cho gia đình có một nền tảng đạo đức qua việc dâng lễ, rước lễ, cầu nguyện và giờ kinh sớm tối mỗi ngày. Kế đến, cha mẹ cần quảng đại và tích cực trong việc khuyến khích động viên con cháu mình tham gia các công tác tông đồ và sinh hoạt cộng đoàn. Bên cạnh đó, các linh mục, tu sĩ sẽ là những người giúp các tín hữu và các em phân định rõ ràng hơn lời mời gọi của Chúa. Nhưng quan trọng hơn hết, đó là mỗi người đều cần để tâm cầu nguyện, lắng nghe và nhận ra lời mời gọi của Chúa. Chúa muốn mời gọi ta cộng tác với Chúa trong bậc sống hiện tại. Có người Chúa mời cộng tác trong đời sống gia đình, trong môi trường xã hội và kể cả việc làm men muối trong hoạt động chính trị xã hội. Có người Chúa mời gọi sống đời độc thân giữa đời để phục vụ anh chị em cách tích cực hơn, và có những người Chúa mời gọi quảng đại dấn thân trong đời sống tu trì để được sai vào những môi trường truyền giáo rộng lớn hơn.

Dù là sống và đáp lại lời mời gọi của Chúa trong ơn gọi nào, bậc sống nào, thì cũng cần phải đến và ở lại với Chúa trong cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích; suy gẫm Lời Chúa để thấy việc Chúa làm và để Chúa biến đổi mỗi ngày. Khi mỗi người quảng đại với Chúa như thế, Chúa sẽ biến ta trở nên khí cụ của Chúa, thành bạn hữu và cộng tác viên thân tín của Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta cũng biết đi theo Chúa và thưa với Chúa như hai môn đệ Gioan: Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Và sẵn sàng đáp lại lời mời của Chúa: Hãy đến mà xem. Xin Chúa giúp chúng ta quảng đại, sẵn sàng như Samuel mà thưa với Chúa: Lạy Chúa! Xin cứ nói vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Amen!
Hình ảnh chủ đề của Colonel. Được tạo bởi Blogger.