Chúa nhật XV Thường Niên, năm C

Bài đọc 1: Đnl 30,10-14
Lời Chúa ở rất gần anh em, để anh em đem ra thực hành.

Bài trích sách Đệ nhị luật.

10 Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng : “Anh em hãy nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ.

11 “Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. 12 Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói : ‘Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành ?’ 13 Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh em phải nói : ‘Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành ?’ 14 Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.” Đó là lời Chúa.

Bài đọc 2: Cl 1,15-20
Muôn loài đều do Thiên Chúa tạo dựng, nhờ Đức Ki-tô và cho Đức Ki-tô.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.

15Đức Giê-su Ki-tô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,
là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,
16vì trong Người, muôn vật được tạo thành
trên trời cùng dưới đất,
hữu hình với vô hình.
Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng
hay là bậc quyền năng thượng giới,
tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng
nhờ Người và cho Người.
17Người có trước muôn loài muôn vật,
tất cả đều tồn tại trong Người.
18Người cũng là đầu của thân thể,
nghĩa là đầu của Hội Thánh ;
Người là khởi nguyên,
là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại,
để trong mọi sự Người đứng hàng đầu.
19Vì Thiên Chúa đã muốn
làm cho tất cả sự viên mãn
hiện diện ở nơi Người,
20cũng như muốn nhờ Người
mà làm cho muôn vật
được hoà giải với mình.
Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,
Thiên Chúa đã đem lại bình an
cho mọi loài dưới đất
và muôn vật trên trời. Đó là lời Chúa.

Tin Mừng: Lc 10,25-37
Ai là người thân cận của tôi ?

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

25 Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng : “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?” 26 Người đáp : “Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào ?” 27 Ông ấy thưa : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” 28 Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

29 Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng : “Nhưng ai là người thân cận của tôi ?” 30 Đức Giê-su đáp : “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. 31 Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. 32 Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. 33 Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. 34 Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. 35 Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” 36 Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ?” 37 Người thông luật trả lời : “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.” Đó là lời Chúa.
____________________
NGƯỜI THÂN BÊN CẠNH TÔI LÀ AI? – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Thưa quý OBACE, ngày qua ngày, chúng ta dường như bị cuốn vào vòng xoáy công việc và những gánh nặng gia đình từ sáng đến tối, khiến bản thân trở nên mệt mỏi, vô hồn, đến độ thấy mình như một con robot. Cuộc sống quanh ta vẫn tràn ngập biết bao điều tốt đẹp, thế nhưng ta không cảm nhận được vì quá bận. Có nhiều khi chúng ta bận đến độ bỏ qua nhiều người quen biết trong xóm và cũng không nhớ đến những người ruột thịt họ hàng đang hiện diện bên cạnh. Người giàu có thì sống với sự giàu sang của mình, nhốt mình trong biệt thự như một pháo đài. Nhiều bạn trẻ lại đắm chìm trong thế giới ảo của mạng xã hội, Facebook, hay những áp lực học hành. Họ có thể có hàng trăm “người bạn” trên mạng, nhưng thẳm sâu lại không có ai thực sự là bạn, là người thân. Sống trong môi trường nhiều thứ giả dối, lừa đảo như hiện nay, con người tạo ra cho mình một trạng thái đề phòng, đánh mất niềm tin vào nhau và không tin vào sự tốt lành của xã hội nữa. Bước ra ngoài đường, con người dường như trở nên lạnh lùng với nhau hơn, không còn những nụ cười, ánh mắt thân thiện, mà thay vào đó là sự đề phòng.

Sống như thế thì giống như người thông luật trong bài Tin Mừng hôm nay khi tự hỏi: Ai thực sự là người thân bên cạnh tôi những khi tôi cần? Ai thực sự là bạn để tôi có thể sẻ chia?

Đoạn sách Đệ Nhị Luật hôm nay, ông Môsê nói luật Chúa cho dân Israel rằng: “Anh em hãy nghe và giữ những mệnh lệnh của Chúa. Lời Chúa truyền cho anh em không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. Lời đó ở rất gần, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.” Qua việc đòi hỏi phải yêu người thân cận như chính mình, Chúa muốn con cái Chúa phải có trái tim rộng mở, có tâm hồn nhạy bén, có trái tim chạnh thương với anh chị em đồng loại của mình, không phân biệt màu da chủng tộc, cũng không có một giới hạn hoặc một điều kiện nào, vì tất cả chúng ta đều là con cái của Thiên Chúa. Chúa không đòi chúng ta phải thực hiện những điều vượt quá khả năng, Chúa cũng không đòi ta phải yêu người khác vượt quá sức mình, nhưng chỉ đòi ta yêu người thân cận bằng với việc yêu bản thân mình mà thôi.

Trải qua thời gian, người Do Thái dần dần giới hạn luật yêu thương của Chúa, họ chỉ yêu những người đồng hương mà thôi. Với thói quen giảm thiểu đòi hỏi yêu thương của luật Chúa đã dẫn đến việc coi thường và bỏ qua những điều Chúa dạy. Câu chuyện Chúa Giêsu kể hôm nay cho thấy: Người thông luật trong dân Do Thái là những người có địa vị cao trong xã hội, có ảnh hưởng lớn trên cộng đồng, là những người chuyên nghiên cứu luật và là thầy giải thích lề luật cho dân chúng. Người thông luật trong câu chuyện hôm nay có thiện chí, ông muốn tìm kiếm chân lý, hạnh phúc và lẽ sống đời đời. Ông đến gặp Đức Giêsu, vì có lẽ ông đã nghe, đã biết về Đức Giêsu và Tin Mừng của Người. Ông thấy nơi Chúa Giêsu và lời giảng của Người có điều gì đó khác biệt với các cách giải thích truyền thống Do Thái. Vì vậy, ông thưa với Chúa về khao khát trong tâm hồn của mình: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Chúa Giêsu đã không đưa ra một điều luật nào mới, nhưng Người muốn dẫn ông luật sĩ đến việc thực hành. Chúa Giêsu hỏi: “Trong luật đã viết những gì?” Ông luật sĩ đã có thể ngay lập tức trả lời cách thuộc lòng: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng… và yêu mến người thân cận như chính mình.” Tuy nhiên, từ việc thuộc lòng các giới răn lề luật đến việc thực hành vẫn là một khoảng cách khá xa. Vì thế, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh với ông: “Ông cứ làm như vậy thì sẽ được sống.” Có lẽ, ông luật sĩ này đã để cho địa vị, cho việc nghiên cứu luật lệ và việc giữ luật của ông chỉ là lý thuyết, khiến ông hoàn toàn đánh mất các tương quan với mọi người chung quanh. Vì thế, ông đã biện minh và đặt câu hỏi với Chúa Giêsu: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Chúa Giêsu đã kể cho ông dụ ngôn về người Samaritanô nhân hậu.

Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, bị cướp của và bị đánh nữa sống nửa chết. Trong hoàn cảnh một người bị nạn giữa đường như thế, có thầy Tư tế và thầy Lêvi đi ngang qua, cả hai vị này đều nhắm mắt bỏ đi như không hề nhìn thấy một nạn nhân đang cần sự giúp đỡ. Hai người này mang bên ngoài hình ảnh của những con người đạo đức, mẫu mực, thế nhưng trong lòng họ lại không có một chút thương cảm. Trái lại, lúc đó cũng có một người Samaritanô đi ngang qua, trông thấy nạn nhân, ông đã dừng lại để trợ giúp. Người này rửa vết thương, băng bó cho nạn nhân, đặt nạn nhân lên lừa của mình và đưa vào quán trọ. Trong khi đó, đối với người Do Thái, người Samari lại bị coi như những người tội lỗi, xấu xa, cấm giao du tiếp xúc.

Câu chuyện Chúa Giêsu kể, vượt quá cách cư xử thông thường và hoàn toàn tương phản. Đáng lẽ các thầy Tư tế và Lêvi phải là người ra tay trợ giúp người đồng hương Do Thái bị nạn, nhưng họ đã không làm. Trái lại, một người bị coi như kẻ thù, lại là người ra tay cứu giúp cho một kẻ từng khinh bỉ dân tộc của mình. Tấm lòng chạnh thương của người Samari còn được thể hiện qua sự quảng đại của ông. Người này không cần quan tâm nạn nhân là ai, dân tộc nào, ông chỉ thấy trước mặt ông là một người bị nạn cần giúp đỡ. Người này không những trả tiền cho chủ quán trọ mà còn thuê người chăm sóc cho nạn nhân và hứa khi quay trở lại sẽ thanh toán nốt. Người này đã chăm lo cho nạn nhân như thể chăm sóc cho người thân ruột thịt của mình. Mặc dù không quen biết, nhưng người Samari này đã không sợ mất thời giờ, không sợ máu me dơ bẩn, cũng không sợ tốn phí, anh đã làm hết mình và làm tất cả những gì có thể cho một người hoàn toàn xa lạ, chỉ vì người ấy đáng thương và đang cần sự giúp đỡ của anh.

Chúa Giêsu đã đặt câu hỏi cho người thông luật: “Theo ông, trong ba người, ai là người thân cận với nạn nhân? Người thông luật trả lời: Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót với người bị nạn. Chúa Giêsu đã kết luận: Ông hãy đi và làm như vậy.” Như thế, người thân cận là bất cứ người nào đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta, bất kể họ đồng quan điểm, đồng hương với mình hay khác biệt, bất kể họ là người cùng máu huyết hay người xa lạ. Nói cách khác, bất cứ khi nào chúng ta có lòng chạnh thương và dám ra tay giúp đỡ những người đang cần sự giúp đỡ, thì ta đã biến họ trở thành người thân cận của mình.

Thưa quý OBACE, thánh Phaolô dạy cho chúng ta cách để có thể yêu người thân cận như chính mình, đó là nhận ra hình ảnh của Đức Giêsu nơi anh chị em chung quanh. Đức Giêsu chính là hình ảnh của Thiên Chúa, là hiện thân của một Vị Thiên Chúa giàu lòng thương xót đã đến với con người, ở cùng và chia sẻ thân phận đau khổ, giới hạn của con người. Khi đến trần gian, Đức Giêsu đã chấp nhận từ bỏ địa vị và vinh quang của Thiên Chúa để cúi xuống trên nhân loại, yêu thương và chữa lành những vết thương thể xác và tâm hồn, cho dù chúng ta vốn là kẻ phản nghịch cùng Chúa.

Để có thể đi và làm như người Samaritanô trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng phải học nơi Chúa Giêsu, dám từ bỏ khỏi mình sự tự mãn, kiêu hãnh để có thể cúi xuống với anh chị em mình. Đừng lấy lý do bận công việc, địa vị hay lấy bất cứ lý do nào để từ chối hoặc khép lòng lại với anh chị em đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Chúng ta không thể là Kitô hữu nếu không dám cúi xuống để phục vụ, yêu thương và làm những việc bác ái. Đứng bao giờ nhắm mắt làm ngơ trước nỗi đau của người bên cạnh, của đồng loại, vì chỉ có những vật vô tri mới làm như thế.

Người bị cướp nằm bên đường đang thoi thóp cần sự giúp đỡ ấy, có thể chính là: người cha, người mẹ già mà ít khi chúng ta hỏi thăm, chăm sóc; có thể là những đứa con mà chúng ta vô tình ghét bỏ, xa lánh; có thể là những người hàng xóm hoặc những đồng nghiệp mà chúng ta đã loại bỏ họ ra khỏi sự quan tâm của chúng ta, coi họ như không hiện diện trên đời và có thể là bất cứ người nào, hoàn cảnh nào chúng ta bắt gặp. Chúng ta đừng bao giờ biến mình trở thành những kẻ dửng dưng đối với đồng loại như mấy ông Thượng tế và Lêvi trong câu chuyện hôm nay.

Xin Chúa giúp cho mỗi người Kitô hữu trở thành như người Samaritanô nhân hậu trong xã hội ích kỷ, dửng dưng hôm nay. Xin cho chúng ta có một trái tim nhạy bén chạnh thương trước những đau khổ của đồng loại. Và cho chúng ta có một đôi mắt thật sáng để nhận ra những người đang cần giúp đỡ, một đôi tay thật dài để có thể ẵm bế người bị nạn lên lừa và có thể xoa dịu những vết thương thể xác và tâm hồn của anh chị em mình. Amen!
Hình ảnh chủ đề của Colonel. Được tạo bởi Blogger.