Chúa nhật II Phục Sinh, năm C
Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa ; cả đàn ông đàn bà rất đông.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
12 Hồi ấy, nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân, nhờ bàn tay các Tông Đồ.
Mọi tín hữu đều đồng tâm nhất trí, thường hội họp tại hành lang Sa-lô-môn. 13 Không một ai khác dám nhập đoàn với họ. Nhưng dân thì lại ca tụng họ. 14 Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa : cả đàn ông đàn bà rất đông.
15 Người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phê-rô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó. 16 Nhiều người từ các thành chung quanh Giê-ru-sa-lem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành. Đó là lời Chúa.
Bài đọc 2: Kh 1,9-11a.12-13.17-19
Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời.
Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.
9 Tôi là Gio-an, một người anh em của anh em, tôi cùng chia sẻ nỗi gian truân, cùng hưởng vương quốc và cùng kiên trì chịu đựng với anh em trong Đức Giê-su. Lúc ấy, tôi đang ở đảo gọi là Pát-mô, vì đã rao giảng Lời Thiên Chúa và lời chứng của Đức Giê-su. 10 Tôi đã xuất thần vào ngày của Chúa và nghe đằng sau tôi có một tiếng lớn như thể tiếng kèn 11a nói rằng : “Điều ngươi thấy, hãy ghi vào sách và gửi cho bảy Hội Thánh.” 12 Tôi quay lại để xem tiếng ai nói với tôi. Khi quay lại, tôi thấy bảy cây đèn vàng. 13 Ở giữa các cây đèn, có ai giống như Con Người mình mặc áo chùng và ngang ngực có thắt đai bằng vàng.
17 Lúc thấy Người, tôi ngã vật xuống dưới chân Người, như chết vậy. Người đặt tay hữu lên tôi và nói : “Đừng sợ ! Ta là Đầu và là Cuối. 18 Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời ; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ. 19 Vậy ngươi hãy viết những gì đã thấy, những gì đang diễn ra và những gì sẽ xảy ra sau này.” Đó là lời Chúa.
Tin Mừng: Ga 20,19-31
Tám ngày sau, Đức Giê-su đến.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa !” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” 29 Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !”
30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ danh Người. Đó là lời Chúa.
_________________
LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA KHƠI LÊN NIỀM HY VỌNG – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Trận động đất kinh hoàng bất ngờ xảy ra tại Myanmar vào ngày 28/3 vừa qua đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng và hàng ngàn nạn nhân khác được cứu thoát từ những đống đổ nát. Thiên tai ập đến bất ngờ, không cho con người cơ hội phản ứng. Chỉ trong vài phút rung lắc, cả thành phố bị biến thành bình địa - hàng triệu người, bất kể giàu nghèo, đều chung số phận: mất đi người thân, nhà cửa tan hoang, tài sản tiêu tan, trở thành những kẻ không nơi nương tựa. Hậu quả của trận động đất sẽ khiến quốc gia này phải mất nhiều năm trời để khôi phục và tái thiết. Sự tàn phá của thiên nhiên còn có thể đo đếm bằng con số, nhưng sự tàn phá quan trọng hơn nữa, đó là sự sụp đổ trong tâm hồn, sụp đổ niềm tin vào cuộc sống, mất hy vọng vào tương lai là những thiệt hại không thể đo đếm được.
Thưa quý OBACE, cái chết kinh hoàng của Chúa Giêsu năm đó cũng giống như một cơn địa chấn làm rung chuyển cả Giêrusalem, tuy không làm hư hại vật chất nhưng lại có tác động đến nhiều người. Đối với các tông đồ, cái chết của Chúa Giêsu thực sự đã làm suy sụp hoàn toàn tâm hồn của các ông, khiến các ông tổn thương và tê liệt cả tinh thần lẫn thể chất. Các môn đệ tuy còn thở nhưng tâm hồn, tinh thần thì như đã chết. Việc các tông đồ mai táng Chúa Giêsu trong ngôi mộ, cũng giống như chôn vùi cả tương lai và hy vọng của các ông. Trước mắt các tông đồ lúc này chỉ còn là một màn đêm đen tối, bởi sợ người Do Thái, bởi hụt hẫng vì Thầy đã chết. Các ông không biết điều gì sẽ xảy ra và cuộc đời của họ sẽ như thế nào, các tông đồ dường như muốn buông xuôi cho nghịch cảnh.
Tin mừng Gioan hôm nay cho thấy, chỉ có tình thương, lòng trắc ẩn mới có thể phục hồi những tâm hồn tan nát, tổn thương, xây dựng lại niềm tin, niềm vui và hy vọng cho con người. Chính Gioan là người trong cuộc, đã trải qua những giờ phút kinh hoàng khi chứng kiến cái chết của Thầy và cũng ngập tràn trong u sầu, thất vọng giống như Simon và các anh em tông đồ khác. Gioan đã thuật lại, ngay từ chiều ngày thứ nhất trong tuần, lúc các tông đồ còn đang chôn vùi mình trong sợ hãi, thì chính Chúa Giêsu đã hiện ra đứng giữa các ông. Chúa Giêsu Phục Sinh đã trao ban cho các tông đồ một nguồn sinh lực mới, một sức sống mới khi nói với các ông: Bình an cho các con. Đây không phải là một lời cầu chúc xã giao, mà thực sự là món quà, là sức mạnh chạm đến tâm hồn đang bị tổn thương, sợ hãi, ban sức mạnh để các môn đệ có thể chỗi dậy khỏi quá khứ, bắt đầu một trang sử mới, một tương lai mới. Không những thế, Chúa Giêsu còn gọi các ông lại, cho các ông xem và đụng chạm đến các vết thương trên tay chân Người, tức là cho các môn đệ được tiếp xúc, gặp gỡ, đụng chạm đến Chúa Phục Sinh bằng xương bằng thịt, chứ không phài là một ảo ảnh, một vong hồn hay bóng ma.
Kế đến, Chúa Giêsu Phục Sinh còn trao tặng cho các tông đồ một món quà và cũng là sức mạnh đến từ Thiên Chúa, đó là Thánh Thần. Chúa Thánh Thần được Đức Giêsu trao ban cho các môn đệ qua hơi thở của Người: Người thổi hơi và bảo các ông, anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, anh em cầm tội ai thì tội người ấy bị cầm lại. Hơi thở Thánh Thần của Chúa Phục Sinh đã trao ban cho các tông đồ một sức sống mới, một sức mạnh, cùng một sứ mạng mới. Từ đây các tông đồ không còn sống theo con người cũ, tình trạng cũ nữa nhưng có một sức sống mới đó là sức sống của Chúa Phục Sinh lưu chuyển trong cuộc đời các ông; các tông đồ cũng không còn sợ hãi nhưng mang trong mình sức mạnh của chính Chúa Thánh Thần để thi hành sứ mạng yêu thương và tha thứ mà Chúa Giêsu trao phó.
Tin mừng Gioan còn cho thấy, có những con người bị tổn thương nhiều hơn, họ là những kẻ đáng đáng thương hơn, đó là trường hợp của Tôma. Câu chuyện thánh Gioan kể vào tám ngày sau khi Chúa phục sinh cho thấy sự nhạy bén, tinh tế của Chúa Giêsu khi thấy một tâm hồn tổn thương, thất vọng nặng nề. Điều này cũng cho thấy rằng, tình thương của Thiên Chúa dành cho con người không phải là một tình yêu chung chung, mà là tình yêu thương riêng biệt, dành cho từng người, nâng đỡ cho từng hoàn cảnh khác nhau. Trong số mười một tông đồ, có lẽ Tôma là người bị tổn thương trầm trọng nhất, tuyệt vọng nhất sau cái chết của Thầy. Sự tổn thương và thất vọng đã khiến Tôma đi đến chỗ cực đoan khi tuyên bố: Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin. Lời tuyên bố này còn cho thấy Tôma là người muốn có một kinh nghiệm cá nhân riêng tư với Chúa Phục Sinh, ông muốn phải được đụng chạm đến từng vết thương của Chúa chứ không chỉ là qua những lời chứng của anh em tông đồ. Chúa Giêsu không những không trách mà còn chiều theo ý của Tôma khi Người hiện ra với các môn đệ vào tám ngày sau (tức là hôm nay). Cũng trong khung cảnh căn phòng còn đóng kín, Chúa Phục Sinh đã hiện ra, đứng giữa các tông đồ và gọi đích danh Tôma: Hãy đặt ngón tay con vào đây và hãy nhìn xem, hãy đưa tay ra mà xỏ vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin. Việc làm này cho thấy, Chúa Phục Sinh tỏ tình thương đặc biệt với các tông đồ và cách riêng với Tôma. Chúa không muốn để ai phải chìm trong đau khổ và thất vọng, Người muốn khơi gợi và mở ra cho từng người niềm tin và hy vọng để tiếp tục sống với một tinh thần mới, con người mới. Khi mời Tôma chạm vào vết thương của mình, Chúa Giêsu muốn mời gọi Tôma tiếp xúc và cảm nhận cách cụ thể tình yêu thương mà Thiên Chúa dành cho nhân loại và cho từng người qua cái chết thập giá của Chúa Giêsu. Xỏ bàn tay vào cạnh sườn của Chúa, chắc chắn Tôma đã chạm đến trái tim là nguồn mạch Lòng thương xót của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Trái tim đó vì yêu, đã mở toang để đón nhận và tha thứ cho tất cả nhân loại; và vết thương nơi trái tim ấy sẽ không bao giờ khép lại, nhưng vẫn tiếp tục mở ra để tuôn ban dòng máu và nước sự sống cho nhân loại, để cho nhân loại và từng người vẫn có thể chạm đến mỗi ngày.
Tông đồ Tôma là người đã có một kinh nghiệm gặp gỡ với Chúa Phục Sinh cách đặc biệt như thế nên ông đã hoàn toàn thay đổi, không còn cố chấp trong quan điểm cá nhân, nhưng đã hoàn toàn vâng phục trong đức tin khi tuyên xưng: Lạy Chúa tôi! Lạy Thiên Chúa của tôi! Tôma đã tin Chúa Giêsu là Thầy của các ông và là chính Thiên Chúa - Đấng mà dân tộc Do Thái tôn thờ. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng cảnh báo cho mỗi người đừng để mình rơi vào tình trạng cố tình, cố chấp trước Tin mừng Phục Sinh; cũng đừng dựa vào những lý lẽ khoa học hay kinh nghiệm mà từ chối những lời rao giảng, làm chứng của các tông đồ - tức là Giáo Hội về Mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Mầu nhiệm Chúa Phục Sinh vượt xa tất cả những chứng minh khoa học, cũng như vượt qua những kinh nghiệm thông thường, vì thế cần có một thái độ khiêm nhường, cúi đầu cung kính đón nhận như Gioan và Phêrô khi ra thăm mồ. Vì thế, Chúa nói với Tôma: Vì đã thấy Thầy, nên con tin. Phúc cho những người không thấy mà tin.
Thưa quý OBACE, thánh Gioan đã giải thích thêm: Những điều đã xảy ra, những dấu lạ được tác giả ghi chép lại trong Tin Mừng là để giúp mọi người đón nhận đức tin và để nuôi dưỡng đức tin của mọi người: Để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô Con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống nhờ Danh Người. Đây chính là sứ điệp quan trọng mà Lời Chúa muốn nhắn gửi đến chúng ta hôm nay. Chúng ta không được thấy ngôi mộ trống và các tấm khăn liệm, chúng ta cũng không được gặp Chúa Giêsu Phục Sinh bằng xương bằng thịt như các tông đồ, cũng không được chạm đến Chúa Phục Sinh như Tôma, nhưng chúng ta vẫn tin và tuyên xưng cách chắc chắn rằng: Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại. Niềm tin này là do chính các tông đồ truyền lại, mà Giáo Hội không ngừng cử hành, tuyên xưng và đang được rao giảng mỗi ngày qua Kinh Thánh. Khi chúng ta siêng năng đọc và suy niệm Kinh Thánh, chúng ta sẽ đón nhận được niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh.
Chúng ta không được đụng chạm đến Chúa Giêsu như các tông đồ ngày xưa, nhưng hôm nay, Chúa Phục Sinh vẫn hằng quan tâm, yêu thương, chăm sóc cho từng hoàn cảnh, từng tâm hồn mỗi người. Chúa Phục Sinh chữa lành tâm hồn chúng ta qua các bí tích, đem lại niềm hy vọng qua Lời của Chúa. Đặc biệt qua bí tích Thánh Thể, ta được đụng chạm đến vết thương, đến trái tim bị đâm thâu của Chúa Giêsu mỗi ngày và sẽ được củng cố đức tin, được đón nhận sức sống mới và được khơi lên niềm vui và hy vọng như các tông đồ xưa.
Xin cho mỗi người biết chuyên chăm đọc, nghe, suy gẫm lời Kinh Thánh và siêng năng lãnh các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, để nhờ đó ta được nâng đỡ, nuôi dưỡng và củng cố niềm tin vào Chúa Phục Sinh. Amen!