Chúa nhật IV Mùa Chay, năm B

Bài đọc 1: 2Sb 36,14-16.19-23
Chúa đày ải và giải phóng dân để bày tỏ cơn thịnh nộ và lòng thương xót.

Bài trích sách Sử biên niên quyển thứ hai.

14 Khi ấy, tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Giê-ru-sa-lem ra ô uế. 15 Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên họ vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người. 16 Nhưng họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Người và chế giễu các ngôn sứ của Người, khiến Đức Chúa bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa.

19 Quân Can-đê đốt Nhà Thiên Chúa, triệt hạ tường thành Giê-ru-sa-lem, phóng hoả đốt các lâu đài trong thành và phá huỷ mọi đồ đạc quý giá. 20 Những ai còn sót lại không bị gươm đâm, thì vua bắt đi đày ở Ba-by-lon ; họ trở thành nô lệ của vua và con cháu vua, cho đến thời vương quốc Ba-tư ngự trị. 21 Thế là ứng nghiệm lời Đức Chúa phán, qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a rằng : cho đến khi đất được hưởng bù những năm sa-bát và suốt thời gian nó bị tàn phá, nó sẽ nghỉ, cho hết bảy mươi năm tròn.

22 Năm thứ nhất thời vua Ky-rô trị vì nước Ba-tư, để lời Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Giê-rê-mi-a được hoàn toàn ứng nghiệm, Đức Chúa tác động trên tâm trí Ky-rô, vua Ba-tư. Vua thông báo cho toàn vương quốc và ra sắc chỉ như sau : 23 “Ky-rô, vua Ba-tư, phán thế này : ‘Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một ngôi Nhà ở Giê-ru-sa-lem tại Giu-đa. Vậy ai trong các ngươi thuộc dân của Người, thì xin Đức Chúa, Thiên Chúa của họ ở với họ, và họ hãy tiến lên ...!’ ” Đó là lời Chúa.

Bài đọc 2: Ep 2,4-10
Anh em đã chết vì phạm tội, nhưng được cứu độ nhờ ân sủng.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

4 Thưa anh em, Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, 5 nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ ! 6 Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.

7 Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Ki-tô Giê-su, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người. 8 Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ : đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa ; 9 cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện. 10 Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Ki-tô Giê-su, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta. Đó là lời Chúa.

Tin Mừng: Ga 3,14-21
Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

14 Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng : “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.

16 “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. 17 Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. 18 Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án ; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa. 19 Và đây là bản án : ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. 20 Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. 21 Nhưng kẻ sống theo sự thật, thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ : các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.” Đó là lời Chúa.
_________________
GIẬN MÀ THƯƠNG, VÌ THƯƠNG NÊN GIẬN – Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Giận và thương là cách nói thể hiện tình cảm, cảm xúc của con người đối với nhau. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước cũng có một bài hát mang tên: Giận thì giận mà thương thì thương. Bài hát này nói về tình cảm của đôi trai gái yêu nhau, có nhiều lúc đớn đau vì giận hờn. Có nhiều lúc thấy chàng trai bội phản, sai lỗi thì cô nàng rất giận, nhưng bình tĩnh rồi cô nàng lại thấy vì quá thương chàng nên mình mới giận mà càng giận lại càng thấy thương. Và vì thương nên lại sẵn sàng tha thứ mà không cần đến lời xin lỗi.

Thưa quý OBACE, Kinh Thánh cũng dùng những hình ảnh, cảm xúc của con người như thế, để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Thiên Chúa như một người bị người mình yêu thương phản bội, thất tín, bất trung, mặc dù có những lúc Thiên Chúa như bừng bừng nổi giận, nhưng lại không nỡ trút cơn thịnh nộ xuống trên con người, vì chỉ cần con người hối hận thì Thiên Chúa lại sẵn sàng tha thứ, yêu thương như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Thiên Chúa của chúng ta là thế: Giận thì giận mà thương thì thương; giận nhưng lại thương và vì thương nên mới giận, mà càng giận lại càng thương. Cách diễn tả về Thiên Chúa như thế cũng được tác giả Thánh Vịnh 29,6 viết: Người có giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.

Bài đọc một hôm nay chúng ta nghe trích sách Sử Biên Niên. Sách này kể lại tổng quát lịch sử của Israel qua những biến cố lớn. Nhưng có điều chú ý là: tác giả nhìn tất cả các biến cố xảy ra trong lịch sử như là sự xếp đặt và quan phòng của Thiên Chúa. Những khi tai ương xảy đến cho đất nước, đều được gắn liền với những tội bất tín bất trung của dân. Vì thế, tác giả coi những sự kiện xảy ra như là những lần Thiên Chúa nổi giận và trừng phạt dân Người. Trong biến cố người Babylon xâm chiếm đất nước, phá huỷ đền thờ và thành Giêrusalem, cướp phá, bắt vua quan và người Do Thái đi lưu đày, tác giả nhìn thấy như là lúc Thiên Chúa nổi giận, Ngài ngoảnh mặt làm ngơ để cho quân thù xâm lăng lãnh địa, phá huỷ Giêrusalem. Cũng vậy suốt năm mươi năm bị lưu đày tại Babylon cũng được coi là do Israel bất trung phản bội lại Thiên Chúa.

Tuy nhiên tác giả cũng cho thấy, mặc dù Thiên Chúa rất giận vì sự ngỗ nghịch của Israel, nhưng Ngài vẫn rất thương. Thương, vì Israel như đứa trẻ ngây dại không biết chọn điều tốt tránh điều xấu; thương vì nó đang phải đau khổ, và Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa có vô vàn lý do để thương Israel. Vì thương, nên ngay trong lúc đau khổ nhục nhã vì làm nô lệ, thì Thiên Chúa lại chọn một ông vua dân ngoại là Kyrô để thực hiện tình thương của Chúa. Ông đã thương tình ra lệnh cho Israel được hồi hương, trở về xây dựng lại quốc gia. Ông còn cung cấp tiền bạc, vật liệu và những phương tiện để cho Israel trở về tái thiết lại quê hương và đền thờ. Tất cả những sự kiện này, được tác giả sách Sử Biên Niên ghi nhận và suy gẫm để rút ra bài học là: Thiên Chúa vì giận nên đã đày ải dân người vào cảnh nô lệ, nhưng vì thương nên lại giải thoát; Thiên Chúa vì giận nên nổi cơn thịnh nộ, nhưng lại xót thương và thứ tha.

Thánh Phaolô trong thư Êphêsô cũng đã có cùng một cái nhìn như tác giả sách Sử Biên Niên khi diễn tả rằng: Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Đáng lẽ vì phạm tội, chúng ta sẽ phải chết, nhưng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương cứu độ và ban cho sự sống. Thiên Chúa yêu ta không phải vì chúng ta dễ thương, hay đáng thương, nhưng hoàn toàn do ân huệ của lòng thương xót Chúa. Vì Chúa chạnh thương, nên tha thứ, và vì tha thứ nên làm cho chúng ta nên dễ thương trước mặt Chúa.

Thật là khó hiểu trước tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại, mà ngôn ngữ của loài người hoặc những cách so sánh của con người cũng không thể nào giải thích hết được. Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô. Câu chuyện xoay quanh chủ đề tình thương của Thiên Chúa trước sự bội phản của con người. Chính Đức Giêsu cũng không thể diễn tả hết tình thương tha thứ của Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của loài người, mà Ngài cũng chỉ dùng cách so sánh để diễn tả tình thương ấy: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một cho nhân loại; Thiên Chúa sai Con của Ngài đến không phải để trừng phạt thế gian, nhưng để nhờ Con của Ngài mà thế gian được cứu sống.

Khi trò chuyện với ông Nicôđêmô, Chúa Giêsu đã gợi lại hình ảnh con rắn được ông Môsê giương cao trong sa mạc, để cứu những ai vì tin mà nhìn lên con rắn thì được cứu khỏi rắn cắn. Câu chuyện xảy ra là, lúc đó dân Do Thái kêu trách Chúa và ông Môsê, Chúa đã để cho rắn sa mạc bò ra cắn chết nhiều người. Dân Do Thái sợ hãi chạy đến kêu cứu ông Môsê và Chúa đã truyền cho ông Môsê đúc một con rắn bằng đồng và treo nó lên, để ai bị rắn cắn mà nhìn lên thì được khỏi. Câu chuyện này lại cho thấy Thiên Chúa nổi giận trước sự không vâng phục của con người, không phải để Ngài thoả mãn cơn nóng giận, nhưng như một ngọn roi được quất xuống giúp cho kẻ phạm lỗi bừng tỉnh. Ngọn roi của một người cha người mẹ quất trên con mình, người con đau một, thì cha mẹ đau gấp mười. Vì ngọn roi ấy không chỉ quất trên con mình mà cũng là quất lên ruột gan chính mình vậy. Thiên Chúa để tai hoạ đau khổ xảy ra là giúp cho dân bừng tỉnh và hối hận, rồi Chúa lại thứ tha.

Hình ảnh con rắn đồng được treo trong hoang địa trở thành dấu chỉ báo trước việc Thiên Chúa Cha vì yêu thương nhân loại đã trao tặng Con Duy Nhất của Ngài cho nhân loại. Tuy nhiên nhân loại lại thể hiện sự gian ác của mình trước mặt Thiên Chúa, qua việc họ đã treo con Thiên Chúa lên cây thập giá, đóng đinh và giết chết Ngài. Nhưng Thiên Chúa đã không chịu thua trước sự độc ác và tội lỗi của con người. Ngài đã biến cây thập giá treo con của Ngài trở thành cây mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Tất cả những ai bị ma quỷ và tội lỗi tấn công trói buộc, nếu tin tưởng nhìn lên Con Thiên Chúa bị đóng đinh với lòng tin tưởng và sám hối, thì được Thiên Chúa cứu rỗi khỏi tội lỗi, khỏi sự chết và còn ban sự sống đời đời. Việc Thiên Chúa biến cây thập giá trở thành cây ban ơn cứu độ quả là một mầu nhiệm tuyệt vời. Điều này cho thấy tình thương và quyền năng của Thiên Chúa lớn hơn sự giận dữ; lòng thương xót của Thiên Chúa thì bao trùm trên tất cả, bất kể con người đã phản nghịch thế nào, thì Thiên Chúa vẫn yêu thương và tha thứ.

Thưa quý OBACE, suy niệm Lời Chúa hôm nay giúp ta xác tín hơn vào tình thương và lòng bao dung của Thiên Chúa. Đã nhiều lần ta cũng từng phản bội, ngỗ nghịch, chống lại Thiên Chúa, chọc giận Ngài, nhưng Thiên Chúa vẫn nhân từ xót thương. Nhiều khi trong cuộc sống, ta vội oán trách Chúa đã để điều này, điều khác xảy ra cho mình, giống như Chúa trừng phạt mình, mà quên rằng, Thiên Chúa của chúng ta là Cha nhân hậu, là Thiên Chúa bao dung, Ngài chậm giận và giàu tình thương. Tin vào tình thương và sự bao dung của Thiên Chúa, không phải để ta ỷ nại cố chấp trong sai lỗi của mình, nhưng đó là sự động viên khích lệ ta chỗi dậy quay trở về với Chúa. Nơi toà giải tội, Thiên Chúa thể hiện lòng bao dung tha thứ vô hạn của Ngài. Cho dù tội ta có ghê gớm thế nào, khi khiêm nhường quỳ gối xưng thú, ta cũng được nghe lời ngọt ngào yêu thương của Chúa: Vậy, Ta tha tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần; Con hãy đi bình an và đừng phạm tội nữa. Cho dù tội ta có đỏ như son, cũng sẽ được tha thứ để trở nên trắng như tuyết, có thẫm tựa vải điều, đến với Chúa cũng sẽ được tẩy trắng như bông.

Nhiều người nhất là các bạn trẻ, đã cố gắng nhiều lần mà không vượt qua được sai lỗi của mình nên rơi vào chán nản. Suy niệm về lòng bao dung của Chúa giúp ta đừng bao giờ thất vọng về tình trạng của mình, vì Thiên Chúa không bao giờ thất vọng với chúng ta. Trái lại, Thiên Chúa luôn hy vọng và đợi chờ mỗi người hối hận quay lại làm hoà với Chúa, đến với Bí tích Giải tội để Chúa thứ tha. Vì, Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi để tha thứ cho con người.

Xin Chúa giúp ta tin vào lòng bao dung tha thứ của Chúa để can đảm quay về với Chúa và thưa cùng Người: Lạy Chúa, con đã lỗi phạm đến Chúa, xin Chúa hãy thứ tha. Amen!
Hình ảnh chủ đề của Colonel. Được tạo bởi Blogger.